Những bài thơ hay nhất của phong trào thơ mới

Thi ca như bước nhảy của vị thần, lướt qua cuộc sống và đọng lại trong những vách ngăn của thời gian. Dường như, mọi thứ tồn tại trên thế gian đều trở thành niềm thi ứng của thơ ca. Đặc biệt là mùa xuân luôn tràn đầy sức trẻ, là chủ đề chính của rất nhiều bài thơ mới. Sức sống của mùa xuân phù hợp với quan niệm của thơ mới, cũng mênh mông với tất cả sự lộng lẫy, vẻ đẹp rực rỡ như thiên thần, tràn đầy, xao động và sức sống trào dâng của nó. Phong trào thơ mới đã diễn tả trọn vẹn cái men say ngây ngất mà mùa xuân đã đem đến cho con người. Sau đây là những bài thơ về mùa xuân hay nhất trong phong trào thơ mới

Những bài thơ hay nhất của phong trào thơ mới

1. Xuân về

Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong.
 
Từng đàn con trẻ chạy xun xoe
Mưa tạnh giời quang nắng mới hoe
Lá nõn ngành non ai tráng bạc
Gió về từng trận gió bay đi
 
Thong thả dân gian nghỉ việc đồng
Lúa thì con gái mượt như nhung
Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng
Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng.
 
Trên đường cát mịn một đôi cô
Yếm đỏ khăn thâm trảy hội chùa
Gậy trúc dắt bà già tóc bạc
Tay lần tràng hạt miệng nam vô.

Thơ của Nguyễn Bính là một thái cực tách biệt so với những nhà thơ mới khác. Cách ông viết về mùa xuân cũng vô cùng khác biệt. Chỉ riêng với Xuân về, Nguyễn Bính thật sự vui tươi với cảnh sắc thiên nhiên, làng xóm, con người... và có lẽ trước hết bởi tự trong lòng thi sĩ hân hoan, thơ thới tình xuân. Ngẫm toàn bộ bài thơ, từ đầu đến cuối cứ như là có sự hiện diện lần lượt của ba ông Phúc - Lộc - Thọ. Nguyễn Bính là nhà thơ đặc biệt viết nhiều về mùa xuân, nổi bật với sắc thái dân gian, gam màu của truyền thống. Đồng thời thể hiện tâm trạng hoài cổ của Nguyễn Bính, tiếc nuối những mùa xuân đã qua, thời điểm những văn hóa truyền thống được thể hiện rõ rệt nhất.

2. Mùa xuân chín

Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang.
 
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi;
- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi...
 
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây,
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây...
 
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:
- “Chị ấy, năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?”

Đây là bài thơ hiếm hoi của Hàn Mặc Tử mang gam màu tươi sáng, Khác với những bài thơ tả cảnh, kể về việc thông thường, Mùa xuân chín đến với người đọc chúng ta không giống với một cái gì đã hoàn thiện. Nhà thơ dường như tạo điều kiện cho người đọc thơ có mặt từ lúc hình tượng mới chỉ là mô hình, một phôi thai của ý đồ sáng tạo. Đặc tả về mùa xuân, nhưng vẫn gợi cảm giác mơ hồ, có chút gì đó hụt hẫng. Bức tranh xuân tràn ngập sức sống, ngôn từ trong sáng, nhẹ nhàng, cảnh xuân xuất hiện với đầy đủ mùi vị màu sắc, có nắng, có sông, có con người đang lao động. Đặc biệt là sự lồng ghép chút hụt hẫng của chính tác giả trong tác phẩm đã khiến mùa xuân của Hàn Mặc Tử trở nên khác biệt.

3. Chiều xuân

Xuân gội tràn đầy
Giữa lòng hoan lạc,
Trên mình hoa cây...
 
Nắng vàng lạt lạt -
Ngày đi chầy chầy...
 
Hai hàng cây xanh
Đâm chồi hy vọng...
Ôi duyên tốt lành!
 
Én ngàn đưa võng -
Hương đồng lên hanh.
 
Kề bên đường mòn
- Mùa đông đã tạnh -
Cỏ mọc bờ non...
 
Chiều xuân tươi mạnh -
Gió bay vào hồn.
 
Có bàn tay cao
Trút bình ấm dịu
Từ phương xa nào...
 
Người cô yểu điệu
Nghe mình nao nao...
 
Nhạc vươn lên trời:
Đời măng đang giậy
Tưng bừng muôn nơi...
 
Mái rừng gió hẩy -
Chiều xuân đầy lời.

Viết về mùa xuân nhưng Huy Cận vẫn giữ nguyên hồn thơ của mình. Cái nỗi sầu thế kỉ phảng phất trong mùa xuân tràn đầy sức sống tạo thành một bức tranh rất kì lạ. Cách sử dụng nhiều thanh bằng, lời thơ như lời thủ thỉ, bị ngắt quãng liên tục đã góp phần diễn tả được cái sức sống của mùa xuân, nhưng đang bị kìm hãm một phần bởi tâm trạng của thi nhân. “Chiều xuân” là một bài thơ xuất sắc khi viết về tâm trạng vui mừng phấn khởi của con người trước nàng xuân tươi đẹp, là bài thơ hiếm hoi thể hiện sự dạt dào của thiên nhiên và lòng người. 

4. Xuân không mùa

Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm,
Mấy cành xanh, năm bảy sắc yêu yêu
Thế là xuân. Tôi không hỏi chi nhiều.
Xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng.
Xuân không chỉ ở mùa xuân ba tháng;
Xuân là khi nắng rạng đến tình cờ,
Chim trên cành há mỏ hót ra thơ;
Xuân là lúc gió về không định trước.
Đông đang lạnh bỗng một hôm trở ngược,
Mây bay đi để hở một khung trời
Thế là xuân. Ngày chỉ ấm hơi hơi,
Như được nắm một bàn tay son trẻ...
 
Xuân ở giữa mùa đông khi nắng hé;
Giữa mùa hè khi trời biếc sau mưa;
Giữa mùa thu khi gió sáng bay vừa
Lùa thanh sắc ngẫu nhiên trong áo rộng.
Nếu lá úa trên cành bàng không rụng,
Mà hoa thưa ửng máu quá ngày thường;
Nếu vườn nào cây nhãn bỗng ra hương,
Là xuân đó. Tôi đợi chờ chi nữa?

                 *

Bình minh quá, mỗi khi tình lại hứa,
Xuân ơi xuân vĩnh viễn giữa lòng ta
Khi những em gặp gỡ giữa đường qua
Ngừng mắt lại, để trao cười, bỡ ngỡ.
Ấy là máu báo tin lòng sắp nở
Thêm một phen, tuy đã mấy lần tàn.
Ấy là hồn giăng rộng khắp không gian
Để đánh lưới những duyên hờ mới mẻ?
Ấy những cánh chuyển trong lòng nhẹ nhẹ
Nghe xôn xao rờn rợn đến hay hay...
Ấy là thư hồi hộp đón trong tay;
Ấy dư âm giọng nói đã lâu ngày
Một sớm tim bỗng dịu dàng đồng vọng...
Miễn trời sáng, mà lòng ta dợn sóng,
Thế là xuân. Hà tất đủ chim, hoa?
Kể chi mùa, thời tiết, với niên hoa,
Tình không tuổi, và xuân không ngày tháng.

Nhắc đến Xuân Diệu là nhắc đến xuân, những bài thơ xuân của ông được coi là chuẩn mực, khi diễn tả trọn vẹn nhất cái mãnh liệt và tràn đầy sức sống của mùa xuân.  Bước nhảy của thời gian trong thời khắc giao mùa được nhà thơ miêu tả kĩ lưỡng. Bài thơ vẫn tràn đầy nhiệt huyết, đặc biệt không mất đi chất “vội vàng” trong Xuân Diệu. Xuân lai láng, tròn đầy, gắn liền với tuổi trẻ và khát vọng sống. Trong thơ về mùa xuân của Xuân Diệu luôn có một mạch ngầm chảy không ngừng, tiếp sức sống cho những bài thơ của ông.

Thi ca đối với xuân là một bầu trời thương nhớ, đông qua rồi các nhà thơ lại ngồi tiếc ngẩn ngơ. Phong trào thơ mới đã cách tân mạnh mẽ khi viết về chủ đề quen thuộc này. Vừa có sự giao hòa, vừa thể hiện được tư duy của cá nhân sâu sắc trước mùa xuân của mỗi người.

Thảo Nguyên


*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền - Cộng tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung của Blog | Về trang chủ: Reader.com.vn

Shopee siêu sales
Sách cùng danh mục
Những bài thơ hay và lãng mạn nhất về tình yêu

Những bài thơ hay và lãng mạn nhất về tình yêu

Tình yêu luôn mang đến nguồn cảm hứng mạnh mẽ nhất cho các nhà thơ, nhà văn bởi tình yêu là một...

Phong cách nghệ thuật của nhà văn Nam Cao

Phong cách nghệ thuật của nhà văn Nam Cao

Văn học là cá nhân, đồng thời cũng là cộng đồng. Nam Cao dung hòa được hai vòng tròn ấy, vừa thể...

Đất nước - Dáng hình của nhân dân

Đất nước - Dáng hình của nhân dân

Đất nước là cội nguồn của văn học, là cái nôi nuôi dưỡng bao thế hệ. Viết về đất nước, Nguyễn...

Chiếc lá cuối cùng - Khi nghệ thuật là vị con người

Chiếc lá cuối cùng - Khi nghệ thuật là vị con người

Chiếc lá cuối cùng – bức tranh phản ánh cuộc sống của những họa sĩ nghèo. Kiệt tác của lòng trắc...

Những chi tiết đắt giá trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao

Những chi tiết đắt giá trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao

Chí Phèo một tác phẩm xuất sắc nhất, truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nam Cao được đánh giá là...

Sách đọc nhiều nhất
Phong cách nghệ thuật của nhà văn Nam Cao

Phong cách nghệ thuật của nhà văn Nam Cao

Văn học là cá nhân, đồng thời cũng là cộng đồng. Nam Cao dung hòa được hai vòng tròn ấy, vừa thể...

Tiểu sử nhà văn Kim Lân và sự nghiệp sáng tác văn học

Tiểu sử nhà văn Kim Lân và sự nghiệp sáng tác văn học

Kim Lân là một trong những nhà văn hiện thực nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam. Ông là cây bút chuyên...

Tiểu sử và cuộc đời sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm

Tiểu sử và cuộc đời sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm

Nguyễn Khoa Điềm được sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước và hiếu học thế nên những...

Tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Lưu Quang Vũ

Tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Lưu Quang Vũ

Lưu Quang Vũ là một nhà văn, nhà biên kịch xuất sắc của nền văn học hiện đại. Mặc dù chỉ hoạt...

Nhà thơ Trần Tế Xương - Tiểu sử và sự nghiệp sáng tác văn học

Nhà thơ Trần Tế Xương - Tiểu sử và sự nghiệp sáng tác văn học

Trần Tế Xương là một nhà thơ trào phúng - trữ tình nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam. Cuộc đời...

Những tác phẩm hay nhất viết về hình tượng Đất nước

Những tác phẩm hay nhất viết về hình tượng Đất nước

Viết về đất nước không bao giờ là đủ, tình yêu dành cho quê hương đất nước luôn luôn rộng lớn...